Những vụ ám sát chính trị táo tợn khiến cả thế giới bàng hoàng
Thứ Hai, ngày 06/08/2018 18:00 PM (GMT+7)
Sự kiện:
Nhiều chính trị gia trên thế giới đã trở thành mục tiêu của các vụ ám sát bởi thù hận, bất đồng hay chỉ vì kẻ giết người muốn nổi tiếng. Trong số họ, có những người may mắn sống sót, song có những người đã thiệt mạng lập tức.
Sau vụ ám sát hụt nhắm vào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, trên các trang báo và mạng xã hội, nhiều người đã so sánh vụ việc với những vụ ám sát chính trị chấn động thế giới trong suốt nhiều thập kỉ qua.
Họ là những tướng lĩnh, nguyên thủ quốc gia hay các nhà ngoại giao bị ám sát bởi thù hận, bất đồng hay chỉ vì kẻ giết người muốn nổi tiếng. Trong số họ, có những người may mắn sống sót sau những âm mưu ám sát, song có những người đã thiệt mạng lập tức. Mặc dù vậy, có một điểm chung là những vụ ám sát này thường có tác động rất lớn đến cục diện chính trị của các quốc gia liên quan.
Lựu đạn phát nổ cạnh Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa cách đây hơn một tháng, vào ngày 23-6, khi ông này vừa kết thúc bài phát biểu trước đám đông ở Bulawayo, thành phố lớn thứ hai tại Zimbabwe.
Tổng thống Zimbabwe Mnangagwa. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mnangagwa đã kịp thời được di tản nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ít nhất 2 nhân viên an ninh đã mất mạng trong vụ việc, trong khi một số nhân vật khác trong chính quyền Zimbabwe bị thương nhẹ.
Ông Mnangagwa nhậm chức Tổng thống tại Zimbabwe từ cuối năm 2017, kế nhiệm nhà lãnh đạo nắm quyền hàng chục năm trước đó là cựu Tổng thống Robert Mugabe. Ông Mnangagwa đã đắc cử Tổng thống Zimbabwe thêm một nhiệm kỳ sau cuộc bầu cử hôm 30-7 vừa rồi.
Tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã trải qua 8 vụ mưu sát bất thành chỉ trong 2 năm kể từ năm 1960 - 1962. Tuy nhiên, vụ ám sát xảy ra ngày 22-8-1962 được đánh giá là táo bạo nhất và thành công nhất khi nhằm vào Tổng thống De Gaulle khi các tay súng bắn tới 140 viên đạn nhằm vào người đứng đầu nước Pháp.
Ông De Gaulle di chuyển trên một chiếc xe. Ảnh: Pinterest
Ngay sau khi súng nổ, tài xế của Tổng thống Pháp đã nhanh chóng đạp ga tăng tốc, vượt qua mấy tay súng, chạy vào thị trấn ngoại ô Petit-Clamart. Lập tức, các tay súng tham gia vụ mưu sát vọt theo bắn tiếp và chỉ chịu biến mất khi có hai xe tuần tra của cảnh sát đến ứng cứu. Ông De Gaulle vẫn bình yên vô sự sau sự kiện. "Mấy tay đó bắn tồi quá!", ông De Gaulle nói với quan chức Paris sau vụ ám sát hụt.
Giáo hoàng John Paul II trải qua một vụ ám sát hụt khi phát biểu tại Quảng trường Thánh Phêrô (Vatican) vào ngày 13-5-1981. Theo đó, hung thủ Mehmet Ali Agca, một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ, đã bắn vài phát súng để ám sát cố Giáo hoàng John Paul.
Khoảnh khắc Giáo hoàng John Paul II bị ám sát.
Vụ ám sát đó khiến Giáo hoàng John Paul II bị thương nặng nhưng cuối cùng ông đã qua khỏi. Vào năm 1983, Giáo hoàng John Paul đã tha thứ cho Agca và đến gặp kẻ đã chĩa súng vào mình ở nhà tù tại Rome, Italy. Agca đã nhận lỗi và chịu mức án tù chung thân vì tội tấn công Giáo hoàng.
Chính trị gia Ahmed Dogan của Bulgaria đã bị một tay súng lao lên sân khấu và chĩa súng vào đầu khi ông đang có bài phát biểu trước nhiều người vào tháng 1-2013.
Khoảnh khắc ông Dogan bị chĩa súng vào đầu. Ảnh: EPA
Tuy nhiên, chỉ sau vài giây bối rối, ông Dogan đã nhanh chóng phản kháng lại kẻ tấn công bằng cách đánh vào tay tên này và thậm chí vật lộn với hắn trước khi vệ sĩ lao tới trợ giúp.
Cựu nữ Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto bị ám sát tối 27-12-2007, trong một vụ tấn công tự sát tại thành phố Rawalpindi, Pakistan ngay sau khi bà kết thúc bài diễn thuyết trong một cuộc vận động tranh cử. Bà Benazir Bhutto đã thiệt mạng ngay sau vụ tấn công.
Cựu nữ Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto. Ảnh: AP
Mặc dù nhiều nghi vấn được đặt ra ngay sau vụ ám sát nhưng phải tới tận 6 năm sau, kẻ chủ mưu là cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf mới bị truy tố về tội giết người. Bà Benazir Bhutto được biết đến là nữ Thủ tướng đầu tiên được bầu tại một quốc gia Hồi giáo trên thế giới.
Martin Luther King Jr. là người đứng đầu của Phong trào Dân quyền Mỹ. Ông đã bị James Earl Ray bắn chết tại Memphis, bang Tennessee, vào ngày 4-4-1968. Vụ ám sát King đã làm bùng nổ cuộc bạo động ở hơn 100 thành phố khắp nước Mỹ. 3 ngày sau vụ ám sát, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Lyndon B. Johnson đã tuyên bố quốc tang trong một ngày.
Mục sư Martin Luther King Jr. phát biểu tại Đài tưởng niệm Lincoln.
Mục sư Martin Luther King Jr. sinh ngày 15-1-1929 tại bang Georgia, Mỹ. Ba đời nhà ông đều là mục sư và tích cực tham gia các hoạt động nhân quyền. Nỗ lực đấu tranh của mục sư King khiến ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo ảnh hưởng nhất tại Mỹ trong lịch sử hiện đại.
Cựu tổng thống Mỹ John F.Kennedy bị giết chết trong một trong những vụ ám sát tổng thống chấn động và gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tổng thống Mỹ John F.Kennedy bị ám sát vào ngày 22-11-1963 tại Dallas, bang Texas (Mỹ). Thủ phạm được xác định là Lee Harvey Oswald.
Vào ngày 22-11-1963, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát vào lúc quá trưa, tại Dealey Plaza, thành phố Dallas, Texas, Mỹ.
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng Oswald không hành động một mình hoặc là nạn nhân của một âm mưu nào đó. Được biết, Oswald đã bị bắn chết tại đồn cảnh sát khi các nhà điều tra còn chưa thể đưa ra bất kì kết luận nào.
Mohandas Karamchand Gandhi - anh hùng dân tộc của Ấn Độ bị ám sát ngày 30-1-1948 khi trên đường tới một nơi cầu nguyện, ông bị đã bị hung thủ tên Nathuram Godse bắn 3 phát đạn vào ngực.
Người anh hùng của Ấn Độ, Mohandas Karamchand Gandhi.
Gandhi là người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại Đế quốc Anh giành độc lập cho Ấn Độ. Suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố hay bạo lực mà luôn cảm hóa con người bằng những quy chuẩn đạo đức. Ông được người dân Ấn Độ gọi một cách thành kính là Mahātmā nghĩa là “vĩ nhân”. Dù chưa bao giờ đồng ý để mọi người gọi mình là Mahātmā nhưng người dân Ấn Độ và cộng đồng quốc tế biết ông qua cái tên Mahātmā Gandhi nhiều hơn so với tên thật của ông.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens và 3 nhân viên sứ quán Mỹ tại Lybia đã thiệt mạng khi những người biểu tình phản đối một bộ phim Mỹ chế nhạo đấng tiên tri Mohammad đã nã đạn và đốt lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi, miền Đông Libya vào cuối ngày 11-9-2012.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Lybia, ông Christopher Stevens. Ảnh: CNN
Mỹ sau đó đã tăng cường an ninh cho các Đại sứ của mình ở nước ngoài lên mức cao nhất.
Vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrey Karlov hôm 19-11-2016. Vụ ám sát chấn động thế giới này được cho là đã tính toán kỹ lưỡng và lên kế hoạch từ trước, nhằm phá hoại mối quan hệ đang ấm dần lên giữa hai quốc gia. Sự việc xảy ra khi bất ngờ khi Đại sứ Nga đang tham dự một sự kiện triển lãm văn hóa “Nước Nga trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ” tại Ankara.
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrey Karlov. Ảnh: Sputnik.
Kẻ thủ ác tên Mevlut Mert Aydintas, 22 tuổi đã bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngay sau khi sát hại ngài đại sứ.
Trái ngược với những sự chia rẽ sau các vụ ám sát trước đó, sự hi sinh của ông Andrey Karlov đã khiến Moscow và Ankara hợp tác chặt chẽ hơn trong nỗ lực chống khủng bố và xử lý cuộc khủng hoảng Syria sau vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ.